DNHN: Trên quê hương huyện Thường Xuân và nói rộng hơn là ở Thanh Hóa, nhắc đến Lương y Lê Văn Thọ có rất nhiều người biết và bày tỏ tấm lòng quý mến trân trọng vì thầy “mát tay”, hết lòng đối với người bệnh. Trong nhiều năm hành nghề, thầy đã chữa khỏi bệnh xương khớp cho nhiều người trong và ngoài tỉnh.
Lương y Thọ chụp ảnh cùng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Nghề của thầy xuất phát điểm gần giống với nhiều lương y làm thuốc, cũng được truyền dạy từ ông bà tổ tiên, nhưng có phần khác là thầy đam mê từ bé, không ngừng tìm tòi, học hỏi, học trong sách vở, học bạn bè và thầy là người sớm có chứng chỉ hành nghề trong xã, trong huyện. Với cây thuốc, nghe đâu từ vùng cao của huyện đến các tỉnh phía Bắc, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang đâu có là thầy lên đường sưu tầm để luôn có trong tay nhiều về số lượng và chất lượng. Mỗi lần chữa trị cho bệnh nhân là một lần rút kinh nghiệm đúc kết thành bài học.
Với những gì tinh túy nhất, thầy ghi chú tỉ mỉ như con ong thợ lấy mật, xây tổ. Nói về việc chữa thành công bệnh đau khớp của Anh hùng Phạm Tuân là cả một quá trình phấn đấu lớn của thầy. Bắt đầu hành nghề, thầy chữa trị cho nhiều bà con, họ hàng thân thích ở quê. Các ca bệnh thường gặp là vôi hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp, Lương y Thọ đều chữa khỏi. Ai cũng được thầy ân cần thăm khám tỷ mỉ và cấp phát thuốc chu đáo. Có tới 90% bệnh nhân qua tay thầy Thọ là khỏi bệnh và đặc biệt thầy chữa trị không quá 10 ngày.
Tiền thuốc chữa bệnh, đến người nghèo nhất cũng có thể chấp nhận được. Tiếng lành đồn xa, nhiều người trong huyện, trong tỉnh bị đau xương khớp đã về chữa trị ở gia đình thầy Thọ, vừa chữa bệnh vừa ăn nghỉ ở đấy. Vào những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng và chính sách mở cửa phát triển kinh tế của Nhà nước, Lương y Lê Văn Thọ đã mạnh dạn “ra biển” lớn, cùng vợ đầu tư, mở phòng khám chữa bệnh xương khớp tại thủ đô Hà Nội. Ở đây thầy mở rộng tầm nhìn, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm của bạn bè, của bệnh viện lớn. Việc chữa bệnh của thầy được nhân lên và gặt hái nhiều thành công. Có người bệnh đến với thầy ở Hà Nội, ở Điện Biên, Lai Châu, Hà Tĩnh và cả vùng cao Tây Nguyên.
Hàng trăm người bệnh không sao nhớ nổi. Trước khi chữa bệnh cho Anh hùng Phạm Tuân, thầy Thọ chữa ca bệnh thoát vị đĩa đệm, vôi hóa đốt sống cổ của bà Lê Thị Hải (Hà Nội). Đây là một ca bệnh nặng, nằm liệt không đi lại nhiều năm, gia đình đưa chữa trị khắp nơi không khỏi. Trong vòng 9 ngày, qua tay thầy Thọ, bà Hải dứng lên đi lại một cách kì diệu. Với trường hợp của Anh hùng Phạm Tuân, ông bị đau khớp gối, chân đi lại tập tễnh, khó khăn và cũng từng đi nhiều nơi điều trị nhưng không khỏi. Trong thời gian ngắn, bệnh đau khớp gối của Anh hùng Phạm Tuân khỏi hẳn, đi lại bình thường. Lương y Lê Văn Thọ và Anh hùng Phạm Tuân trở thành hai người bạn thân thiết, hai gia đình gần gũi thân thương. Gần đây, do tuổi cao và tình yêu quê hương tha thiết, Lương y Lê Văn Thọ đã trở về quê hương chữa bệnh tại gia và hướng xây dựng phát triển nghề cho người con trai đã trưởng thành là Lê Văn Chiến. Tất cả những kinh nghiệm, vốn liếng tích lũy trong nhiều năm, Lương y Lê Văn Thọ đã mở rộng việc khám, chữa bệnh. Khách thập phương hiện nay đến với gia đình Lương y Lê Văn Thọ có ngày tới 30-40 bệnh nhân. Từ huyện Chư-Pưh, tỉnh Gia Lai, bệnh nhân Nguyễn Quang Trại cũng về đây chữa xương khớp. Mọi người đều được chữa trị ân cần chu đáo với tất cả tấm lòng từ mẫu của thầy.
Anh Nguyễn Quang Trại đã khỏi bệnh trong niềm vui khôn tả. Nói về con trai Lê Văn Chiến, Lương y Lê Văn Thọ không chỉ truyền nghề mà đã đầu tư học tập bài bản tại Trường trung cấp Y học cổ truyền Thanh Hóa. Anh Chiến đã không phụ lòng cha, học tập và vào nghề với nhiều thành công đáng ghi nhận. Hiện nay anh và gia đình mở thêm phòng khám do anh đảm nhận tại thôn Lương Thịnh. Hàng ngày cùng cha tận tâm phục vụ, khám chữa bệnh xương khớp cho người bệnh với tất cả tấm lòng nhân ái.